Phóng to |
Hàng Trung Quốc bày bán tràn ngập trên đường phố. Trong ảnh: một điểm bán túi xách ở cầu Kiệu, TP.HCM - Ảnh: CHÂU ANH |
Phóng to |
Hàng trái cây, rau củ từ Trung Quốc được chuyển về chợ đầu mối nông sản Tam Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM) sau đó đưa ra thị trường - Ảnh: B.HOÀN |
Điều đáng nói là nhiều mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu lớn từ Trung Quốc đều là những nhóm hàng trong nước có thể sản xuất được như: quần áo, đồ chơi trẻ em, giày dép, rau củ quả...
Từ đồ chơi trẻ em...
Tại một cửa hàng đồ chơi trẻ em ở tổ 2, khu phố 3, P.Tân Phú, Q.9, TP.HCM có hàng trăm vỉ, bọc đồ chơi được treo, xếp trên tủ, kệ, từ xe đua, xe leo tường đến bộ đồ xếp hình, trái cây, bóng nhựa... ghi xuất xứ Trung Quốc. Ngoài ra, còn khá nhiều vỉ đồ chơi không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, không ghi xuất xứ.
Chủ cửa hàng xác nhận toàn bộ số hàng này có nguồn gốc từ Trung Quốc. Cũng tại cửa hàng này, khi khách hỏi mua đồ chơi trẻ em do VN sản xuất, người bán hàng tìm trong góc sạp một vỉ xếp hình và hai bọc trái cây bằng nhựa. “Đây là hàng tồn từ năm trước. Hiện đồ chơi trẻ em do VN sản xuất không được giao nữa do không thể cạnh tranh với hàng ngoại”, chủ cửa hàng cho hay.
"Hàng Trung Quốc vào Việt Nam quá dễ, tương tự đi buôn hàng trong nước chứ không phải hàng nhập khẩu" |
Đường Trần Bình, Q.6 là khu vực tập trung các đầu mối bán sỉ đồ chơi trẻ em nổi tiếng ở TP.HCM và đi các vùng lân cận. Tại đây, hàng chục căn nhà chỉ sử dụng vào mục đích chứa trữ và bày bán đồ chơi trẻ em.
Hàng Trung Quốc đang chiếm lĩnh gần như hoàn toàn thị trường đồ chơi trẻ em ở TP.HCM. Chị Hồng Phương, bán mặt hàng đồ chơi trẻ em ở chợ Bình Tây (Q.6) đã được ba năm, cho biết thời gian đầu có trên 30% là hàng nội. Đối tượng mua hàng nội chủ yếu là các trường mầm non. Thời điểm đó, những mặt hàng này của Trung Quốc chưa nhiều. Nhưng càng ngày hàng Trung Quốc càng lấn át, đến nay có thời điểm trong sạp bán 100% hàng Trung Quốc.
...Đến quần áo, túi xách
Chợ đêm Hạnh Thông Tây, Q.Gò Vấp là nơi mua sắm quần áo, giày dép, túi xách, thú bông, dây đeo cổ... của rất đông công nhân các nhà máy, sinh viên và người dân sống ở khu vực này. Với mức giá mềm, trên 100.000 đồng có thể mua được túi xách, giày dép thời trang, khoảng 60.000 đồng mua được áo, 30.000 đồng/chiếc thắt lưng... khu mua sắm này luôn nhộn nhịp vào tất cả các ngày trong tuần.
Tuy nhiên, đại đa số hàng hóa cũng được nhập về từ Trung Quốc. Thu Huệ, bán hàng tại đây, cho biết một chiếc túi giá 120.000 đồng, giá đầu vào chỉ 50.000-60.000 đồng. Với các mức giá này, hàng trong nước không đáp ứng được. Huệ cho biết trước đây còn có quần áo đồ bộ của một số cơ sở may mặc ở Q.6 hay Q.Bình Tân đến bỏ mối. Nhưng nay Huệ từ chối hết vì mức lời không bằng hàng Trung Quốc. Trung tâm bán sỉ những mặt hàng này là khu vực chợ An Đông, Q.5 và chợ Bình Tây, Q.6.
Các tiểu thương cho biết giá đầu vào rẻ, lợi nhuận cao là một trong những lý do khiến túi xách, mắt kính, phụ kiện thời trang... Trung Quốc đánh bật hàng nội tại các chợ.
Ghi nhận thị trường hàng tiêu dùng ở TP.HCM cho thấy sự hiện diện của hàng Trung Quốc còn ở nhiều mặt hàng, chủng loại sản phẩm khác nhau. Tại các siêu thị, chén đĩa, ly thủy tinh, ly nhựa, đồ gia dụng bằng nhựa, inox, thậm chí đến cả dây thun cột tóc, bì thư, móc khóa... đều được nhà nhập khẩu hàng Trung Quốc đưa vào tiêu thụ tại VN.
Hàng tiêu dùng Trung Quốc nhiều tới mức, theo nhân viên một công ty chuyên làm dịch vụ xuất nhập khẩu ở TP.HCM, khoảng hơn một năm trở lại đây tất cả các lô hàng nhập khẩu nhân viên này làm thủ tục hải quan đều là hàng Trung Quốc!
Phóng to |
Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc qua các năm. Nguồn: Tổng cục Hải quan - Đồ họa: VĨ CƯỜNG |
Hàng rào thuế vô hiệu
Theo Tổng cục Hải quan, từ năm 2008-2010, mười nhóm hàng tiêu dùng có giá trị nhập khẩu lớn từ Trung Quốc vẫn luôn giữ tốc độ năm sau cao hơn năm trước. Năm 2010, nhập khẩu hàng tiêu dùng từ thị trường Trung Quốc đã lên tới 1,84 tỉ USD. Một trong những mặt hàng có đóng góp khá lớn vào nhóm này là hàng rau củ, trái cây.
Mặc dù đây là hàng VN có thế mạnh sản xuất trong nước, với những vùng trồng rau và trái cây có thương hiệu, nhưng hàng Trung Quốc giá rẻ và bảo quản lâu dài vẫn chiếm được chỗ đứng vững chắc ở cả thành thị và nông thôn. Năm 2010, kim ngạch nhập khẩu rau quả nguồn gốc Trung Quốc lên tới 156,13 triệu USD, chiếm 53,1% tổng kim ngạch nhập khẩu rau quả từ tất cả các thị trường.
Đêm 22-3, tại chợ đầu mối nông sản Tam Bình (Q.Thủ Đức, TP.HCM), nhiều loại trái cây và nông sản nguồn gốc Trung Quốc liên tục được dỡ xuống từ các xe tải, xe container lạnh để chuyển vào tiêu thụ tại các sạp ngay trong đêm. Ngoài một số loại trái cây như táo, lê... là mặt hàng đặc thù của Trung Quốc, tại chợ còn có hàng chục sạp bán sỉ các loại trái cây vốn là thế mạnh của hàng Việt như quýt, cam, dưa...
Tại khu vực bán hàng nông sản, nhiều sạp treo biển “chuyên bán sỉ rau củ Đà Lạt” nhưng thực tế chuyên bán hàng nông sản Trung Quốc, đặc biệt là khoai tây, hành tây, cà rốt, tỏi, gừng... Đây là những mặt hàng mà các vựa rau ở Đà Lạt và nhiều khu vực xung quanh TP.HCM không thiếu.
Anh Trần Quang Phương, tiểu thương kinh doanh hàng nông sản, cho biết: “Tôi từng làm hàng Đà Lạt, nhưng nay hàng Đà Lạt sao “ăn” bằng hàng Tàu? Hành tây 6.000 đồng/kg, hành tím 22.000 đồng/kg, tỏi 45.000 đồng/kg, giá bán chỉ bằng một nửa hàng nội nên rất chạy”. Ngoài ra, theo các tiểu thương, cà chua Trung Quốc rẻ hơn cà chua Đà Lạt 3.000 đồng/kg, lại bảo quản được lâu hơn nên ngày càng phổ biến. Bắp cải, cải thảo... cũng cạnh tranh với rau Đà Lạt vì những lý do này.
Ông Nguyễn Bá Định, phó chi cục trưởng Chi cục Hải quan phụ trách khu vực Cát Lái, cho biết rất nhiều loại nông sản Trung Quốc đang được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% nên biện pháp hạn chế bằng hàng rào thuế quan hoàn toàn vô hiệu. Thế nhưng, hàng rào kỹ thuật và các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm đến nay vẫn chưa được dựng lên. Nhờ đó hàng Trung Quốc vào VN quá dễ, tương tự đi buôn hàng trong nước, chứ không phải hàng nhập khẩu từ quốc gia này sang quốc gia khác!
Chiếm lĩnh thị trường điện thoại Ghi nhận tại thị trường TP.HCM cho thấy hàng trăm loại sản phẩm điện tử, linh kiện, thiết bị điện có nguồn gốc Trung Quốc đang được tiêu thụ số lượng lớn. Nhiều loại điện thoại di động nhập khẩu từ Trung Quốc như: Q-Mobile, Philips, Ktouch, Mobell... xuất hiện ở hầu hết các cửa hàng, trung tâm phân phối điện thoại di động. Na ná các sản phẩm có thương hiệu đắt tiền, thậm chí nhái hàng cao cấp như iPhone, Vertu... nhưng giá chỉ 1-2 triệu đồng hoặc dưới 1 triệu đồng vẫn có chức năng đa phương tiện nên hàng Trung Quốc đã chiếm lĩnh hoàn toàn thị phần tiêu thụ bình dân. Anh Nguyễn Văn Thắng, bán hàng điện thoại di động ở đường Lê Văn Thọ, Q.Gò Vấp, cho biết các loại linh kiện như: vỏ máy, bao máy, pin sạc, phần mềm thay thế, cục sạc pin... Trung Quốc chiếm 90-95% linh kiện bày bán trên thị trường. Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch nhập khẩu điện thoại di động của cả nước năm 2010 khoảng 936 triệu USD, riêng hàng Trung Quốc chiếm 84,5%, tức 791 triệu USD.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận